BIỂU MẪU-TÀI LIỆU
ChatGPT tác động giáo dục thế nào?
Một số nhà giáo dục đã cảnh báo rằng các hệ thống AI như chatbot ChatGPT có thể thay đổi hoàn toàn giới học thuật, cả tích cực và tiêu cực.
Vào tháng 11 năm 2022, các nhà phát triển OpenAI đã cho ra đời ChatGPT, một hệ thống trò chuyện dựa trên văn bản. Nhiều người dùng đã bày tỏ sự phấn khích trước khả năng giải toán, viết luận và viết bài nghiên cứu của công cụ này.
Tuy nhiên, Ethan Morrick, giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, đã viết trên Twitter của mình rằng: Về cơ bản, AI đã làm hỏng bài tập về nhà”. Khi trả lời phỏng vấn tờ Morning Edition, Ông cho rằng công cụ này đang gây ấn tượng với nhiều sinh viên. Và công dụng rõ ràng nhất của nó là người học có thể đạo văn các tác phẩm do AI viết.
Đồng thời, Mollick đã nhìn thấy những lợi ích của ChatGPT và sử dụng nó như một trợ lý giáo viên để giúp các sinh viên MBA chuẩn bị chương trình giảng dạy, bài giảng, bài tập và phiếu đánh giá.
Người dùng có thể sao chép toàn bộ một bài báo học thuật và yêu cầu nó tóm tắt, hay có thể yêu cầu tìm lỗi trong dòng lệnh và sửa lỗi, cũng như đưa ra lý do viết sai. “Đó là những khả năng phát triển theo cấp số nhân của công cụ này, điều có lẽ chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu được. Điều đó thực sự tuyệt vời” – ông nói.
Trên FE News, Giáo sư Amanda Kirby – Giám đốc điều hành Do-IT Solutions cũng đưa ra nhận định, công nghệ không phải là vấn đề. Yếu tố cốt lõi là ai sử dụng và sử dụng theo cách nào.
Theo bà, nhiều nhà giáo dục lo sợ sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để làm bài tập hộ, trong khi giáo viên không thể xác định là đạo văn. Thực tế, người học hiện nay đã sử dụng nhiều công nghệ khác, như trình kiểm tra ngữ pháp và chính tả, hay tìm kiếm câu trả lời cũng như thông tin từ trên mạng. Sinh viên cũng cần phải làm như vậy để đạt được hiệu quả khi dùng ChatGPT.
Mặc dù Chat-GPT thú vị nhưng thực tế là người dùng vẫn cần biết thế nào là một câu hỏi hay. Hệ thống thu thập dữ liệu đã có và cũng không cung cấp các nguồn tham chiếu để kiểm tra tính hợp lệ của thông tin. “Bạn vẫn cần đọc lại và kiểm tra xem nó có chính xác không. AI cũng không có cảm xúc”, bà nhấn mạnh.
Giống như bất kỳ công nghệ AI mới nổi nào, trợ lý ảo này cũng có một số hạn chế. OpenAI đã đào tạo công cụ này bằng cách sử dụng một bộ dữ liệu lớn về các cuộc hội thoại thực của con người. Dù có hành văn mạch lạc, trường hợp ChatGPT không cung cấp được câu trả lời khi câu hỏi nằm ngoài dữ liệu sẵn có vẫn có thể xảy ra.
Teresa Kubacka – một nhà khoa học dữ liệu ở Zurich (Thụy Sĩ) đã thử nghiệm ChatGPT bằng cách hỏi về một hiện tượng vật lý. Bà cố tình hỏi về một thứ không tồn tại, để xem công cụ có thực sự có khái niệm về sự vật, sự việc tồn tại và không tồn tại hay không.
ChatGPT đã đưa ra một câu trả lời nghe có vẻ cụ thể và hợp lý, trích dẫn từ một số nguồn tài liệu. Khi xem kỹ hơn, Kubacka nhận thấy các nguồn tài liệu là không có thật. Có tên của các chuyên gia vật lý nổi tiếng được liệt kê, tuy nhiên, tiêu đề của các ấn phẩm được cho là của họ lại không tồn tại.
Oren Etzioni – Giám đốc điều hành Viện AI Allen, viện nghiên cứu phi lợi nhuận về AI cho biết, nhiều trường hợp người dùng đặt câu hỏi và công cụ đưa một câu trả lời nghe có vẻ ấn tượng nhưng hoàn toàn sai.
“Đó là một vấn đề, nếu bạn không cẩn thận xác minh hoặc chứng thực sự thật do nó cung cấp”, ông khẳng định.
Thực tế, người dùng thử nghiệm bản miễn phí của chatbot được cảnh báo trước rằng ChatGPT đôi khi có thể tạo thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm, đưa ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch. Sam Altman – Giám đốc điều hành của OpenAI cũng cho biết việc người dùng “dựa vào công cụ này để thực hiện theo những điều nó phản hồi” có thể là sự lựa chọn sai lầm.
Kirby nhận định, sự ra đời những công nghệ mới này có thể trở thành công nghệ giáo dục, thay đổi cách đánh giá kỹ năng học tập. Các bài kiểm tra viết trong phòng thi vẫn là phương pháp đánh giá chính bấy lâu nay. Do đó, cách tiếp cận này có lợi cho những người có thể ngồi yên hàng giờ, viết nhanh và gọn gàng, hay những người có khả năng ghi nhớ thông tin; ngược lại, không ủng hộ những người cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin và trả lời các câu hỏi hay người có sở thích giác quan khác.
“Một bài kiểm tra trong phòng thi có thể tương thích với các kỹ năng thực tế trong cuộc sống? Chúng ta cần một con người như thế nào trong không gian làm việc của tương lai?”, Kirby đặt ra câu hỏi.
Nguyên Chương (Theo NPR, FE News) - VNEXPRESS