BIỂU MẪU-TÀI LIỆU
Vai trò của cán bộ thư viện trường học trong xã hội hiện đại
VAI TRÒ CỦA CÁN BỘ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Ngày nay, cuộc sống thay đổi chóng mặt với sự bùng nổ thông tin. Điều này đặt ra những thách thức về việc định hướng, chọn lọc thông tin. Ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa đọc, văn hóa nghe - nhìn của học sinh. Chính vì vậy, cán bộ thư viện (CBTV) trường học phải là người năng động và sáng tạo. Họ phải nắm giữ nhiều vai trò quan trọng với nhiều kỹ năng khác nhau mới có thể thực hiện tốt công việc của mình.
1. Vai trò của một giáo viên
Công
việc thể hiện vai trò giáo viên của CBTV là việc cùng phối hợp và hỗ trợ quá
trình dạy và học của giáo viên và học sinh.
CBTV phải là người xây dựng chương trình hướng dẫn, phối hợp với giáo viên để lên kế hoạch, lồng ghép các bài học kỹ năng thông tin trong từng môn học. Là người nắm được chương trình học để có thể đáp ứng được nhu cầu đọc của học sinh, của từng khối lớp.
CBTV
có thể tìm hiểu trước về nội dung bài học/ môn học và cung cấp các danh mục tài
liệu phù hợp cho môn học đó. Danh mục này có thể bao gồm cả tài liệu hiện có
tại thư viện và cả các tài liệu miễn phí trên mạng.
Một
phương thức lý tưởng cho quá trình dạy học trong nhà trường là giáo viên đứng
lớp sẽ dạy các nội dung của môn học cho học sinh, còn CBTV sẽ truyền đạt những
kỹ năng tìm kiếm thông tin về những nội dung mà học sinh đã được học.
Như
vậy, sự tham dự trực tiếp của CBTV trường học vào chương trình giảng dạy và học
tập sẽ làm thay đổi tình trạng của CBTV trường học từ một người trung gian, thụ
động, trở thành một tham dự viên tích cực trong nỗ lực giáo dục. CBTV trường
học ngày nay phải là một giáo viên được đào tạo, được chứng nhận.
2. Vai trò của người quản lý
Thông thường, mỗi thư viện trường học chỉ có một cán bộ đảm nhiệm công tác thư viện. Hiếm hoi mới có trường có hai cán bộ làm công tác này. Công việc thì nhiều và vất vả, đòi hỏi phải người cán bộ phải lên kế hoạch một cách khoa học mới có thể thực hiện tốt mọi công việc của mình. Chính vì vậy, CBTV cũng chính là người quản lý, điều hành mọi công việc trong thư viện, mang trách nhiệm tương tự như người quản lý một bộ phận trong nhà trường.
CBTV
phải quản lý ngân sách hoạt động thư viện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của
thư viện, lịch làm việc, các hoạt động và quy định của thư viện. Trong trường
hợp thư viện có cộng tác viên hoặc nhân viên làm việc hợp đồng bán thời gian
thì CBTV sẽ là người quản lý những nhân sự này.
Ngoài
ra, CBTV phải là người quản lý tốt nội dung của hệ thống thông tin, biết thu
thập, sử dụng và trao đổi một cách hiệu quả những nguồn thông tin học liệu và
tài liệu giảng dạy để từ đó cung cấp được những thông tin có giá trị và chọn
lọc, đáp ứng nhu cầu tin của giáo viên và học sinh trong trường.
Và
cuối cùng, CBTV phải quản lý tốt vốn tài liệu của thư viện. Đó là việc cân đối
giữa ngân sách và nhu cầu bổ sung tài liệu, lựa chọn và đánh giá các nguồn tài
liệu, bảo đảm sao cho tài liệu phải phù hợp với nội dung chương trình giáo dục
của nhà trường và nhu cầu của học sinh, giáo viên trong trường.
3. Vai trò chủ thể sáng tạo trong các hoạt động thư viện
Là người bạn đồng hành trong công việc,
sức sống của thư viện có được duy trì và tồn tại hay không còn tùy thuộc vào
lòng yêu nghề và sự sáng tạo trong công việc của người CBTV.
Ngày
nay, thư viện không đơn thuần chỉ là nơi phục vụ việc đọc sách và cho mượn
sách, mà thư viện phải là nơi trải nghiệm học tập ngoài lớp học đầy thú vị và
bổ ích cho các em học sinh.
CBTV phải là người nắm bắt được nhu cầu của các em học sinh. Linh hoạt và sáng tạo trong cách tổ chức các hoạt động trong thư viện theo nhiều mô hình khác nhau. Thư viện trường học có thể trở thành phòng tập tô, tập vẽ, chơi cờ hay phòng đọc to nghe chung cho các em học sinh tiểu học thông qua các góc hoạt động trong thư viện. Thư viện cũng có thể là nơi trưng bày của các cuộc thi vẽ tranh theo sách. Là sân khấu - nơi diễn ra các cuộc thi kể chuyện sách, thi bình sách, đọc sách diễn cảm, đọc và làm theo sách, thi đố vui. Thậm chí, ở những thư viện trường học được trang bị đầy đủ các phương tiện, thư viện còn là phòng nghe nhạc, phòng chiếu phim… giúp học sinh THPT có thể được thư giãn lành mạnh sau những giờ học căng thẳng. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào óc tổ chức, sáng tạo của CBTV và sự quan tâm, đánh giá cao hoạt động thư viện của lãnh đạo và tập thể giáo viên nhà trường.
Ngoài
ra, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng là một kênh hữu ích đưa các em
học sinh đến với kho tài liệu, thông tin của thư viện.
Trong
thời đại công nghệ thông tin phát triển, xã hội tràn lan những loại hình giải
trí trên mạng rất thu hút. Văn hóa đọc dần bị mai một, học sinh sẽ nhàm chán
với việc đọc sách vì quá đơn điệu và không có mục đích. Vậy, làm thế nào để
giúp các em học sinh thư giãn, giải trí sau những giờ học căng thẳng, vừa cung
cấp cho các em những kiến thức bổ ích về cuộc sống, xã hội và con người.
Để
phát huy vai trò của thư viện, CBTV sẽ là người tham mưu và đề xuất với lãnh
đạo nhà trường các kế hoạch hoạt động, giới thiệu và cung cấp nguồn lực thông
tin cho các chủ đề hoạt động. CBTV cần chủ động phối hợp với Ban giám hiệu, tổ
bộ môn trong các hoạt động, gợi ý hướng chủ đề nhằm mục đích khai thác có hiệu
quả sách báo và những tư liệu khác có trong thư viện.
Có rất
nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích hiện nay được các CBTV trường phối hợp thực
hiện như: Giới thiệu sách hoặc điểm sách dưới cờ (thường được tổ chức vào thứ
hai đầu tuần); Hái hoa dân chủ; Chiếc nón kì diệu; Rung chuông vàng…; hoặc
những hoạt động ngoại khóa dựa theo chủ đề của những ngày lễ trong năm.
Thực
chất, hoạt động ngoại khóa chính là hoạt động nối tiếp và thống nhất hữu cơ với
hoạt động giáo dục trong giờ học trên lớp, giúp học sinh củng cố, bổ sung những
kiến thức đã được học qua các môn học, phát triển sự hiểu biết của các em trong
các lĩnh vực xã hội, hình thành và phát triển ở các em các kỹ năng ban đầu (kỹ
năng giao tiếp, kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng nhận thức, tính tự tin, mạnh
dạn, năng động, sáng tạo…).
4. Vai trò “cầu nối”, liên kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Thư viện muốn hoạt động tốt thì CBTV không
thể hoạt động một mình, phải biết thu hút sự cộng tác, liên kết các mối quan hệ
giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, nếu biết chủ động tư vấn, tranh
thủ sự ủng hộ của Ban giám hiệu trường và đội ngũ giáo viên là điều cơ bản nhất
cho sự thành công của thư viện.
CBTV và giáo viên cần phải làm việc cùng nhau để xác định rõ mục tiêu và các vấn đề mà nhà trường mong muốn học sinh của mình cần đạt được, từ đó lập ra các kế hoạch và chương trình giảng dạy cho thích hợp. Các giáo viên sẽ cùng tham gia đánh giá các nguồn tài liệu cần thiết cho việc hướng dẫn học sinh học tập, cùng nhau thảo luận phương pháp phối hợp giữa việc học trên lớp và học tại thư viện, tự học cho học sinh.
Ngoài
các thành viên trong nhà trường, CBTV còn nên thiết lập các mối quan hệ với
CBTV trường bạn để trao đổi kinh nghiệm cũng như chia sẻ, tận dụng được nguồn
lực của các đơn vị.
Ngoài
ra, việc tạo mối quan hệ với các tổ chức xã hội hay với Ban phụ huynh nhà
trường cũng là một cách làm hiệu quả để huy động sự quan tâm, đóng góp của họ
vào việc tăng cường vốn tài liệu trong thư viện hoặc với các hoạt động khác của
thư viện.
CBTV
phải chủ động việc tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh học sinh hiểu được
ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng tủ sách tại lớp và xây dựng thư viện nhà
trường; vận động các tổ chức xã hội trong và ngoài trường, các mạnh thường quân
cùng tham gia xây dựng các tủ sách thư viện. Ví dụ ở nhiều nước trên thế giới,
những thành viên của Hội những người bạn của thư viện sẽ
sẵn lòng tình nguyện tham gia vào việc sửa chữa, bổ sung tài liệu, làm các
thiết bị hỗ trợ giảng dạy hoặc tổ chức những buổi giới thiệu sách.
Thực
tế cho thấy đã có rất nhiều CBTV trường học làm rất tốt công tác xã hội hóa thư
viện này, điển hình là việc thực hiện phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc
ngàn cuốn sách hay”. Từ phong trào này, rất nhiều thư viện trường học đã cải
thiện được nguồn vốn tài liệu của mình, giảm tải cho nhà trường nguồn kinh phí
không nhỏ cho việc bổ sung sách.
Khởi
nguồn từ phong trào trên, rất nhiều cuộc vận động đóng góp, ủng hộ sách được
CBTV trường học tuyên truyền và thực hiện hiệu quả. Các thư viện góc lớp hay
còn gọi là tủ sách góc lớp ra đời dựa trên sự đóng góp của các em học sinh và
gia đình, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đẩy mạnh văn hóa đọc tới từng
lớp học. Các tủ sách góc lớp được luân chuyển, hoán đổi cho các lớp khác trong
cùng khối và hết năm số sách đó sẽ được bổ sung vào các tủ sách chung của thư
viện nhà trường, làm phong phú thêm cho nguồn vốn tài liệu của thư viện.
Trên
thực tế, việc đào tạo nguồn nhân lực với năng lực và phẩm chất đáp ứng được đòi
hỏi của thực tiễn đã đặt ra những nhiệm vụ cấp thiết cho các cơ sở đào tạo cán
bộ thư viện - thông tin ở Việt Nam trong những năm sắp tới với việc tiếp tục
đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có
trình độ cao, đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập.
Kinh
nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, diện mạo của CBTV trường học trong
xã hội hiện đại đòi hỏi họ phải có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng như một giáo
viên thực thụ; bên cạnh đó là trình độ nghiệp vụ giỏi, khả năng giao tiếp linh
hoạt, kỹ năng quản lý, tổ chức, thái độ nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm
cao. Họ cũng phải là một đối tác ngang hàng với các giáo viên trong nhà trường
và thực sự là “linh hồn” của thư viện trường học.
Có thể bạn quan tâm:
- Nhu cầu đọc và văn hoá đọc trong hoạt động thư viện
- Thư viện xanh không gian tri thức thân thiện
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc ở
thư viện
- Sổ mẫu quản lý thư viện, thiết bị