BIỂU MẪU-TÀI LIỆU

Khung phân loại tài liệu thư viện DDC, UDC, LCC

Khung phân loại tài liệu thư viện DDC, UDC, LCC

Trong công tác nghiệp vụ thư viện, công tác phân loại là một khâu xử lý nghiệp vụ hết sức quan trọng. Nó được ứng dụng để giúp người sử dụng thư viện dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận tài liệu, đồng thời cũng hỗ trợ việc sắp xếp các tiêu đề trong mục lục phân loại hay trong thư mục. Đối với chuẩn thư tịch về phân loại thư viện, ba khung phân loại được cho là tiêu biểu hiện nay là:

-         Khung phân loại thập phân Dewey – DDC (Dewey Decimal Classification) dùng cho thư viện vừa và nhỏ;

-         Khung phân loại Thư viện Quốc hội Hoa Kì – LCC (Library of Congress Classification) dùng cho thư viện có hơn một triệu ấn bản sách.

-         Bảng phân loại thập phân bách khoa (Universal Decimal Classification – UDC)

KHUNG PHÂN LOẠI TÀI LIỆU THƯ VIỆN.png

 I.       Định nghĩa

1.      Bảng phân loại thâp phân Dewey (Dewey Decimal Classification – DDC)

Một trong các khung phân loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay do nhà cách tân thư viện nổi tiếng người Mỹ Melvil Dewey (1851-1931) xây dựng từ những năm 1870 là Khung phân loại thập phân DDC (Dewey Decimal Classification). Khung phân loại này dùng 10 chữ số ả rập để sắp xếp toàn bộ sưu tập tư liệu và thư viện. Khung phân loại này ra đời năm 1876 gồm 10 lớp chính, với 1000 đề mục. Khung phân loại chuẩn này trở thành sở hữu của tổ chức OCLC từ năm 1988. Đây là khung phân loại tư liệu, thư viện được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hiện nay, hơn 200.000 thư viện tại 130 quốc gia đang sử dụng khung phân loại này. Chỉ số phân loại DDC được sử dụng nhiều trong thư mục tư liệu quốc gia của hơn 60 nước, trong đó có 15 nước thuộc khu vực châu á-Thái bình dương, 13 nước châu Mỹ, 8 nước châu Âu, 7 nước ở Trung đông. Khung phân loại DDC đã được dịch ra hơn 30 tiếng khác nhau trên thế giới. Một trong những thế mạnh của DDC là luôn luôn được cập nhật, sửa chữa bổ sung và xuất bản.
Tóm tắt cấu trúc Bảng chính của Khung phân loại DDC như sau:

000. Tổng hợp
100. Triết học và các khoa học liên quan
200. Tôn giáo
300. Các khoa học xã hội
400. Ngôn ngữ học
500. Các khoa học chính xác
600. Các khoa học ứng dụng
700. Nghệ thuật
800. Văn học
900. Địa lý, lịch sử và các khoa học phụ trợ.
Lớp thứ hai được phân chia như sau:
200. Tôn giáo
210. Tín ngưỡng tự nhiên
220. Kinh thánh
230-280. Thiên chúa giáo
290. Các tôn giáo khác…

>>> Tìm hiểu thông tin quan trọng: Chuyển đổi số ngành thư viện

2.      Bảng phân loại thập phân bách khoa (Universal Decimal Classification – UDC)

Trong các khung phân loại được sử dụng rộng rãi hiện nay phải kể đến Khung phân loại thập tiến quốc tế UDC (Universal Decimal Classification) do hai nhà thư mục học người Bỉ là Paul Otlet và Henry Lafontaine xây dựng và cho ra đời năm 1895. Khung phân loại DDC và UDC khác nhau về cấu tạo bên trong còn các lớp cơ bản vẫn giữ nguyên. Riêng các bảng phụ và các ký hiệu có được mở rộng hơn. Khung phân loại UDC hoàn chỉnh được xuất bản năm 1905 bằng tiếng Pháp với tên là Bảng chỉ dẫn thư mục tổng hợp (Manuel du Repertoire Bibliographique Universal) và sau này được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

3.      Bảng phân loại thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congerss Classificasion – LCC):

Một trong các khung phân loại do Thư viện Quốc hội Mỹ xây dựng được nhiều người nhắc đến là Khung phân loại thư viện quốc hội (Library of Congress Classification) viết tắt là LCC do tác giả đầu là Herbert Putnam và tư vấn Charles Ammi Cutter khởi tạo. Hệ thống phân loại của khung này được áp dụng cho thư viện trường đại học, các viện nghiên cứu Mỹ và một số nước khác.
Cấu tạo của Khung phân loại LCC bao gồm: toàn bộ các lĩnh vực tri thức ban đầu được chia thành các lớp chính, sau đó được chia thành các phân lớp; trong mỗi phân lớp lại được phân chia chi tiết theo hình thức, địa điểm, thời gian và chủ đề cụ thể được thể hiện từ cái chung đến cái riêng, tạo thành cấu tạo thứ bậc của các chi thức.
Cấu tạo lớp chính của khung phân loại LCC gồm có:
A. Tổng loại
B. Triết học, Tâm lý học, Tôn giáo
C. Các ngành khoa học bổ trợ cho lịch sử
D. Lịch sử thế giới nói chung và cựu thế giới
E-F. Lịch sử châu Mỹ
G. Địa chất học, Nhân học, Giải trí
H. Các ngành khoa học xã hội
J. Khoa học chính trị
K. Pháp luật
L. Giáo dục
M. Âm nhạc
N. Mỹ thuật
P. Ngôn ngữ và văn học
Q. Khoa học
Phân lớp có cấu tạo là:
Q. Khoa học
QA. Toán học
QB. Thiên văn học
QC. Vật lý học
QD. Hoá học
QE. Địa chất học…

4.      Một số khung phân loại khác:

-         Khung phân loại Paul Boudet

-         Khung phân loại của Lê Quý Đôn

-         Khung phân loại của Phan Huy Chú

-         Khung phân loại Lưu Hướng

-         Khung phân loại Tuân Húc

-         …

II. Ý nghĩa

Trong các quy trình chuẩn bị và trực tiếp chỉnh lý tài liệu, có nhiều việc phải làm có liêu quan mật thiết đến khung phân loại tài liệu, mà nếu có sẵn một khung phân loại tài liệu thì việc chỉnh lý tài liệu chắc chắn có nhiều thuận lợi. Mối liên quan vốn có giữa chỉnh lý tài liệu với khung phân loại tài liệu được thể hiện ở nội dung công việc chính của chỉnh lý. Khi chỉnh lý tài liệu có nhiều việc phải làm, những điều cốt lõi của công việc chỉnh lý tài liệu là phân chia tài liệu chính xác để đạt được đơn vị phân loại cuối cùng là hồ sơ, đơn vị bảo quản chuẩn mực phản ảnh trung thực công việc đã diễn ra. Muốn đạt được các mục tiêu đó của chỉnh lý, bắt buộc trong khi chỉnh lý tài liệu cũng phải thiết kế được một bảng phân chia tài liệu cần đưa ra chỉnh lý giống như xây dựng một khung phân loại cục bộ cho một khối tài liệu riêng biệt. Công việc đó của chỉnh lý diễn ra cũng theo các quy trình phân loại các cấp độ tài liệu tương tự như người xây dựng một khung phân loại tài liệu. Vì vậy, việc chỉnh lý tài liệu sẽ tham khảo cách xây dựng khung phân loại tài liệu ở các phương pháp, nguyên tác thiết lập được các giản đồ phân loại một các khoa học và hợp lý.

Những công việc cụ thể của việc chỉnh lý tài liệu còn có thể tham khảo khung phân loại tài liệu ở các mặt sau:

1. Khung phân loại tài liệu giúp cho việc xây dựng phương án phân loại tài liệu trong chỉnh lý.

Phương án phân loại tài liệu là công cụ cốt yếu nhất để phân chia tài liệu ở các cấp độ khác nhau một cách khoa học trong chỉnh lý, tạo ra các cấp độ phân loại theo thứ bậc, mà đơn vị phân loại cuối cùng là hồ sơ, đơn vị bảo quản.
Nếu người được giao nhiệm vụ viết phương án phân loại tài liệu chỉ dựa vào các lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông, như tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức qua các thời kỳ của đơn vị hình thành phông như vẫn làm, thoát lý hệ thống tài liệu vĩ mô, thì việc phân loại tài liệu đó vẫn mang nặng tính chủ quan, cục bộ đối với tài liệu của từng cơ quan, tổ chức cụ thể. Làm như vậy sẽ bị thiếu vắng tính hệ thống của cả một ngành khi thực hiện chỉnh lý tài liệu. Khi đã có sẵn một khung phân loại tài liệu của một quốc gia, ví dụ của Phông lưu trữ quốc gia, thì chắc chắn sẽ có được một hệ thống phân loại tài liệu, định hướng cho việc phân loại tài liệu là đối tượng đưa ra chỉnh lý.

2. Khung phân loại tài liệu giúp đắc lực cho việc xác định giá trị tài liệu trong chỉnh lý tài liệu.

Trong việc chuẩn bị chỉnh lý tài liệu, khung phân loại tài liệu được coi như công cụ định hướng quan trọng cho việc viết bản hướng dẫn xác định giá trị tài liệu. Người được phân công viết bản hướng dẫn xác định giá trị tài liệu, nếu chỉ dựa vào thông tin của riêng đơn vị hình thành phông, hoặc dựa vào tài liệu cụ thể đưa ra chỉnh lý, sẽ dẫn đến chỉ đạo lựa chọn và loại huỷ tài liệu trong chỉnh lý rất cục bộ, thiếu tính hệ thống. Điều hiển nhiên có liên quan đến toàn bộ công tác xác định giá trị tài liệu theo quan điểm hiện hiện nay là xác định giá trị tài liệu vĩ mô, vậy bất kể việc xác định giá trị đơn lẻ ở đâu, đều thu về một mục đích cuối cùng để thực hiện tối ưu hoá toàn bộ tài liệu Phông lưu trữ quốc gia. Làm như vậy, người chỉ đạo xác định giá trị trong chỉnh lý phải có một công cụ bổ trợ cho việc xác định giá trị theo quan điểm hệ thống, đó là khung phân loại tài liệu. Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn xác định giá trị tài liệu, hoặc trực tiếp xác định giá trị tài liệu, thì người thực thi công việc phải nắm được hệ thống tài liệu của cả một tổng thể khối lớn. Với yêu cầu như vậy thì khung phân loại tài liệu đáp ứng được thoả mãn. Đây là điểm quan trọng để quyết định giữ lại hay loại ra từng tài liệu cụ thể trong chỉnh lý tài liệu.

3. Khung phân loại thông tin tài liệu giúp xây dựng công cụ ta tìm tài liệu trong chỉnh lý tài liệu.

Công cụ tra tìm tài liệu phổ biến nhất là mục lục hồ sơ của một khối tài liệu đưa ra chỉnh lý. Mục lục này phản ánh số lượng hồ sơ hiện hữu sau khi chỉnh lý. Nhưng với yêu cầu tìm tin tổng hợp có hiệu quả hơn, người ta thường phải xây dựng các lại công cụ tra tìm khác như bộ thẻ chuyên đề, hoặc xây dựng một cơ sở dữ liệu để tìm tin theo chuyên đề. Với yêu cầu này thì khung phân loại tài liệu giúp ích đắc lực nhất.


Dù là xây dựng thư viện số hay thư viện truyền thống thì khung phân loại tài liệu thư viện DDC, UDC, LCC cũng vô cùng quan trọng và là nguyên tắc áp dụng trong quản lý tài liệu thư viện khoa học. Hy vọng những thông tin Lạc Việt Vebrary cung cấp đem đến góc nhìn tổng quan nhất về khung phân loại tài liệu này cho quý bạn đọc.

Nguồn: Học viện tài chính


Có thể bạn quan tâm